Trí
thông minh có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thành công học đường của trẻ em.
Để giúp trẻ phát triển trí thông minh, cha mẹ phải tạo được môi trường thuận
lợi nhất để trẻ tích cực khám phá, liên tục trải nghiệm và tương tác. Muốn vậy,
cha mẹ cần tạo ra một thế giới các trò chơi xuất phát từ ý thích của trẻ, tạo
cảm xúc tích cực trong khi chơi, cổ vũ, khen ngợi mỗi khi trẻ chưa làm được
(hôm nay trẻ không làm được thì hôm sau trẻ sẽ làm được). Cha mẹ giành thời
gian học nghệ thuật chơi với trẻ và kiên trì chơi cùng trẻ là cách tốt nhất đầu
tư cho sự phát triển trí tuệ của con.
Người
lớn luôn cảm thấy bận rộn, hiếm khi có thời gian để cùng trẻ chơi những trò
không đầu, không cuối hoặc không mang
lại lợi nhuận. Thật sai lầm nếu người lớn luôn cho rằng, có rất nhiều công việc
quan trọng hơn, đáng làm hơn là dành thời gian để chơi cùng trẻ, bởi thông qua
việc chơi cùng trẻ, bạn hiểu được tính cách của con mình và khả năng của trẻ
trong mỗi giai đoạn phát triển, phát hiện ra những cách thức phù hợp để khơi
nguồn các năng lực trí tuệ, bồi dưỡng, phát triển thành tài năng.
Dưới
đây là 10 phương pháp để cha mẹ có thể
giúp trẻ phát triển trí thông minh (IQ):
1. Chơi
những trò chơi kích hoạt, khích lệ trí não: như
xếp hình, cắt/xé dán, tô màu, vẽ, tạo hình các con vật từ các vật liệu như củ
quả, lá cây; phân biệt màu sắc, hình dạng, kích thước; so sánh, phân loại con
vật, đồ vật theo đặc điểm/ thuộc tính, suy luận nếu... thì..., suy luận nhân
quả. Tất cả những trò chơi này đóng một vai trò quan trọng trong việc hình
thành khả năng tư duy cho trẻ, giúp trẻ phát triển các dạng thức thông minh
khác nhau. Cần tạo cảm xúc tích cực trong khi chơi, chuyển trò khác khi trẻ tỏ
ra không hứng thú hoặc chán.
2. Trò
chơi ngôn ngữ: đố chữ (tên em/ tên của bạn gồm những chữ cái
nào ghép lại...), xếp một nhóm chữ cái thành nhiều nhất những cái tên có ý
nghĩa (Ví dụ: tên con vật, quả, tên người) giúp trẻ phát triển khả năng sử dụng
ngôn ngữ. Hầu hết các bài trắc nghiệm IQ đều nhấn mạnh đến phần sử dụng ngôn
ngữ. Do đó trẻ cần cha mẹ trợ giúp để diễn tả ngôn ngữ: từ vựng, thành ngữ...
Kể chuyện, đọc thơ, nhìn tranh tưởng tượng kể thành một câu chuyện phù hợp với
nội dung bức tranh, đọc sách cùng trẻ...đều đóng một vai trò quan trọng để phát
triển ngôn ngữ cho trẻ.
3.
Thường xuyên trò chuyện với trẻ, nuôi dưỡng và khuyến khích các xúc cảm tích
cực: Cha mẹ sử dụng bữa tối như là một thời điểm để nói và lắng
nghe cũng như giúp trẻ diễn đạt khả năng ngôn ngữ của mình. Trẻ sẽ học được hầu
hết mọi thứ từ cha mẹ, trẻ cảm thấy được lắng nghe và trẻ có cảm giác được đánh
giá tốt hơn sẽ thông minh hơn. Kể cho trẻ nghe về ngày làm việc của mình, thảo
luận những sự kiện (sinh nhật bé, học ở trường...), thậm chí có thể thảo luận
với trẻ về một bài báo, một câu chuyện, một bộ phim, một bức tranh,...
Tăng
cường tổ chức các chuyến dã ngoại như tới viện bảo tàng, vườn thú, công viên,
đi siêu thị, ra sân bay, đến nhà hát kịch, đi nghe hòa nhạc, về quê, đi picnic,
tham dự những sự kiện văn hóa... Khuyến khích trẻ đưa ra những nhận xét, nói về
những gì chúng nhìn thấy, những gì chúng cảm nhận... trước, trong và sau những
chuyến đi này là cách tốt nhất để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, xúc cảm. Chính
ngôn ngữ và xúc cảm tích cực là “bệ phóng” để phát triển trí tuệ.
4. Học
âm nhạc: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng học âm nhạc có thể làm
tăng trí thông minh về âm nhạc (năng lực thẩm âm, hiểu các tiết tấu, nhip
điệu...) và làm tăng đáng kể thành tích học tập của trẻ. Nếu trẻ có hứng thú
học tập với một dụng cụ âm nhạc nào, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ học và thường
xuyên yêu cầu trẻ thể hiện kết quả cho cha mẹ. Lắng nghe con bạn chơi kèn
Trombon không phải lúc nào cũng là một niềm vui thích nhưng những bài học âm
nhạc có thể là một cách thú vị để lôi kéo chúng vào việc rèn luyện trí não. Các
nhà nghiên cứu ở Đại học Toronto
cho biết những bài học nhạc có sự sắp xếp dường như có lợi cho chỉ số IQ của
trẻ và những thành tích học tập. Trẻ học nhạc càng lâu thì hiệu quả tăng trí
thông minh càng cao. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc tiếp xúc với âm nhạc từ
thời thơ ấu đã là một kim chỉ nam cho kết quả tốt hơn ở bậc trung học và chỉ số
thông minh cao hơn khi trưởng thành. Vì vậy, bạn hãy tách con khỏi âm nhạc của
Mozart và cho chúng tham gia ban nhạc của trường hay các khóa học nhạc riêng.
5. Nuôi
bằng sữa mẹ: Sữa mẹ là nguồn thức ăn cơ bản cho não. Các
nghiên cứu từ trước đến nay vẫn chứng tỏ rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ mang
lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ sơ sinh. Nó ngăn ngừa sự nhiễm
trùng và cung cấp dưỡng chất cần thiết giúp trẻ khỏe mạnh và thông minh hơn.
Những đứa trẻ được bú mẹ khoảng 9 tháng khi lớn lên sẽ thông minh hơn nhiều so
với trẻ chỉ được bú 1 tháng hoặc ít hơn. Việc cho con bú chính là bạn đã đầu tư
sớm cho sức khỏe của bé và đem lại lợi ích lâu dài không chỉ về sự phát triển
thể chất mà cả sự phát triển về não bộ.
6. Chế
độ nuôi dưỡng tốt: Một đứa
trẻ được nuôi dưỡng tốt và có sức khỏe sẽ có bộ óc khỏe mạnh, cũng như mức độ
tập trung tốt hơn. Thức ăn cho trẻ nên có một số thực phẩm tốt cho não như cá,
dầu thực vật, trứng cút, trứng gà, vịt, sữa, hoa quả tươi, rau xanh. Các nhà
khoa học của Trường Đại học King’s College (2006) đã công bố kết quả về việc ăn
nhiều trái cây và rau xanh có thể giúp tăng cường trí nhớ. Kết quả đã tìm ra 5
loại trái cây và rau xanh như bông cải xanh, cà chua, cam, táo và củ cải có
chứa nhiều các hợp chất tăng cường trí nhớ, trong đó bông cải xanh có hàm lượng
cao nhất. Cắt bớt lượng đường, chất béo và những đồ ăn vặt khác khỏi khẩu phần
ăn của trẻ và thay thế bằng những thực phẩm giàu dinh dưỡng có thể làm nên
những điều kì diệu cho sự phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ nhỏ, đặc
biệt ở hai năm đầu đời. Ví dụ, trẻ cần sắt để phát triển não khỏe mạnh vì khi
trẻ thiếu sắt, sự cảm nhận của các dây thần kinh sẽ chậm hơn. Các nghiên cứu
cũng nhận thấy trẻ thiếu chất gặp rắc rối nhiều với các bệnh nhiễm trùng –
nguyên nhân khiến chúng bỏ học và lưu ban. Các bậc phụ huynh hãy chú ý tới chế
độ ăn của con để cải thiện tình hình học tập của trẻ.
Một cơ
quan nghiên cứu có tiếng từ những năm 70 đã chỉ ra rằng ăn sáng giúp cải thiện
trí nhớ, sự tập trung và khả năng học tập. Không bao giờ được để trẻ đến trường
mà trong dạ dày không có gì. Bữa ăn sáng cho trẻ nên có nhiều hydrat-carbo như
bánh mì hay ngũ cốc. Những trẻ không ăn sáng thường dễ bị mệt mỏi, cáu kỉnh và
phản ứng kém nhanh nhạy hơn những trẻ thường bắt đầu ngày mới bằng một bữa ăn
đủ chất. Với nhịp sống sôi nổi ngày nay, việc ngồi ăn một bữa sáng nghiêm chỉnh
không phải lúc nào cũng thực hiện được. Tuy nhiên, một cốc sữa và chiếc bánh
ngọt cũng có thể giúp con bạn tập trung và tỉnh táo suốt buổi học.
7. Chơi
video game: Bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi được khuyên nên cho
con chơi trò chơi điện tử vì lâu nay video game vẫn bị mang tiếng xấu. Đúng,
nhiều trò chơi khá bạo lực, đơn lẻ và không cần động não nhiều, nhưng việc chơi
một trò nào đó mà có thể phát triển các bước suy nghĩ của trẻ, những trò phát
triển khả năng làm việc tập thể và tính sáng tạo cho trẻ cũng có thể chấp nhận
được. Các công ty sản xuất đồ chơi mang tính giáo dục như Leapfrog hiện đang
chế tạo các trò chơi về khả năng vận động và tăng cường trí nhớ cho trẻ nhỏ, kể
cả trẻ chập chững biết đi. Một nghiên cứu gần đây được tiến hành tại Trường Đại
học Rochester
cho thấy những học sinh tham gia chơi video game có khả năng về thị giác và tổ
chức nhanh hơn những trẻ không chơi game. Các giáo viên ở Anh đã bắt đầu sử
dụng một số trò chơi điện tử vào các bài giảng của mình. Điều quan trọng là
kiểm soát về thời gian (không nên chơi quá 30 phút mỗi ngày) và người lớn cùng
tham gia, định hướng và lựa chọn trò chơi.
8. Cổ
vũ, khuyến khích sự ham học hỏi: Các chuyên gia tâm lí trẻ em
luôn cho rằng cha mẹ nào quan tâm và khuyến khích trẻ khám phá những ý tưởng
mới là đã dạy chúng một bài học giá trị bởi tìm kiếm trí thức là rất quan
trọng. Người lớn nên ủng hộ những sở thích và mối quan tâm của trẻ bằng cách
đặt các câu hỏi, giúp trẻ tìm kiếm các câu trả lời, dạy chúng những kỹ năng
khám phá, thu thập và xử lí thông tin...để phát triển tính ham học hỏi.
9. Rèn
trí thông minh: Làm các bài tập rèn trí thông minh càng sớm càng
tốt, có thể ngay từ tuổi mầm non. Chẳng hạn cho trẻ làm các bài tập suy luận
loogic: Cái gì đi cùng/ không đi cùng? Cái gì đi với nhau theo đôi, theo cặp,
theo bộ/nhóm?... Phát hiện các chi tiết thiếu, chi tiết không hợp lí trong các
bức tranh/ bức vẽ... Nếu cha mẹ cùng trẻ thực hành các bài tập phát triển IQ
dưới dạng các trò chơi thì kết quả có thể giúp trẻ tăng đáng kể chỉ số IQ.
Chơi
cờ, giải ô chữ, tìm mật mã và trả lời câu đố cũng là những cách tốt, giúp ích
rất nhiều cho sự phát triển trí tuệ. Hãy bày những trò chơi rèn luyện trí tuệ
quanh nhà và kích thích bọn trẻ giúp bạn giải quyết những vấn đề khó khăn ấy.
10.
Khuyến khích tập luyện: Các nhà nghiên cứu ở Đại học Illinois đã chỉ ra mối
quan hệ chặt chẽ giữa điểm thể dục và thành tích học tập của những trẻ ở bậc
Tiểu học. Việc tham gia các môn thể thao có tổ chức khuyến khích sự tự tin, khả
năng làm việc theo nhóm và lãnh đạo. Nghiên cứu cũng cho biết 81% phụ nữ làm
công tác quản lí đã từng chơi thể thao khi còn trẻ. Vì vậy, thay vì nghỉ ngơi
xem tivi sau bữa tối, bạn nên khuyến khích con chơi bóng hoặc đi bộ. Tốt hơn
nữa, bạn nên động viên con tham gia vào một
hoạt động thể chất có tổ chức hay các môn thể thao học đường.
PGS.TS Nguyễn Công Khanh